Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Dạy con theo kiểu "mẹ hổ" để con thành đạt

Vào năm 2011, giáo sư khoa Luật của trường đại học Yale danh tiếng Amy Chua đã làm nên một cú sốc trên toàn thế giới khi cho xuất bản cuốn sách với tựa đề “Battle Hymn of the Tiger Mother” (tạm dịch là Khúc chiến ca của mẹ hổ), trong quyển sách này giáo sư đã không hề nao núng khi tuyên bố hung hồn rằng những bà mẹ Trung Quốc nuôi con vượt trội hơn những người mẹ khác.
Amy, tác giả của cuốn sách là người ủng hộ tích cực việc “thương cho roi cho vọt”, đã tuyên bố rằng cách bố mẹ nuôi dạy con khắt khe đã giúp một số lượng lớn các trẻ em Trung Quốc phát triển tốt trong môi trường trường học. Trong khi có rất nhiều phụ huynh nhận thấy rằng việc nuôi dạy con trẻ bằng “kỷ luật thép” là quá hà khắc thì có một thực tế không thể phủ nhận là một số lượng lớn những con người thành đạt đã được giáo dục bằng phương pháp này.
Vậy, cái gọi là "kỷ luật thép” hay phương pháp cực đoan trong cách nuôi dạy con cái của bố mẹ Trung Quốc là những gì?


1. Họ tin rằng con cái họ có thể trở thành người giỏi nhất
Những bà mẹ Trung Quốc luôn tin rằng con của họ có thể là học sinh giỏi nhất trong lớp, trong trường. Cô Amy Chua cho biết, các bậc phụ huynh Trung Quốc luôn buộc con họ làm nhiều hơn, thực hành nhiều hơn bởi vì điều này là yếu tố sống còn để thành công. Cô nhấn mạnh thêm rằng, một khi đứa trẻ ấy xuất chúng ở một phương diện nào đó, đứa bé ấy sẽ được ca ngợi và kết quả là sự tự tin của trẻ sẽ dần nâng cao. Đối với các bố mẹ Trung Quốc, những thành tích trong học tập của con cái họ chứng tỏ rằng phương pháp dạy con của họ là đúng. Còn nếu như con họ gặp khó khăn ở trường, thì chỉ có một kết luận duy nhất mà bố mẹ đưa ra đó là con họ đã sai phạm điều gì đó.
Trong bài viết How good are the Asians? Refuting four myths about Asian-American academic Achievement? của Yong Zhao và Wei Qui (tạm dịch là: Người châu Á giỏi đến mức nào? Phản đối bốn thuyết về thành thích học tập của người Mỹ gốc Á). Họ đã trình bày những phát hiện mới rằng các học sinh người Mỹ gốc Hoa thường có điểm SAT cao hơn và nhiều trong số họ đạt được học bổng U.S. National Merit Scholars giúp cho họ chiếm được hầu hết các vị trí trong các trường đại học ưu tú tại Mỹ. SAT là kỳ thi chuẩn hóa tuyển sinh vào đại học bốn năm tại Hoa Kỳ do Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận College Board của Mỹ tổ chức thi và quản lý.
2. Họ thường có đòi hỏi khắt khe về kết quả của con cái
Những phụ huynh Trung Quốc buộc con họ phải học, luyên tập và đạt được thành tích xuất sắc. Liu Yiting đã từng có ghi chép về phương pháp giáo dục nghiêm ngặt và khắt khe của gia đình cô trong quyển sách nổi tiếng “Cô gái Harvard Liu Yiting”. Ngày càng đông các cặp bố mẹ Trung Quốc muốn hướng con mình vào các trường đại học ưu tú tại Mỹ. Và hơn hết, những người mẹ Trung Quốc luôn đòi hỏi cao hơn những người mẹ phương Tây, và kết quả là “những đứa trẻ tài năng và thành tích học tập tuyệt vời”.


3. Bố mẹ thường nhấn mạnh vào sự nỗ lực chứ không phải tài năng thiên bẩm
“Thành tích không phải là một thứ gì đó liên quan đến di truyền (Không phải là thứ sinh ra đã có) mà nhờ vào yếu tố văn hóa” đây là cách phân tích của James Flynn, tác giả của quyển sách: Asian Americans: Achievement Beyond IQ (tạm dịch là: Người Mỹ gốc Hoa: Khi thành tích vượt khỏi giới hạn IQ), trong quyển sách này ông cũng chỉ ra các giá trị từ đạo đức làm việc và truyền thống giáo dục.
Đối với bố mẹ Trung Quốc, tất cả đều tập trung ở việc là con họ đã đổ bao nhiêu nỗ lực vào một việc gì đó, chứ họ không mong chờ gì ở tài năng thiên bẩm. Và họ tin rằng, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp không bằng cách này thì cũng bằng cách khác. Sophia, con gái của Amy Chua, thuật lại: cô đã từng bị ép buộc như thế nào để đến các hội trại piano, và sau này, ngay cả khi niềm đam mê piano trong cô trỗi dậy và cô đã trở thành một nghệ sĩ piano tài năng thì Sophia vẫn phải nỗ lực hết mình khi luyện tập một tác phẩm nào đó.


4. Họ rất nghiêm túc khi làm một việc gì đó
Khi mà nhiều phụ huynh cho rằng việc yêu cầu con luyên tập một môn học hay nhạc cụ nào đó nửa giờ mỗi ngày là đã quá khắt khe thì những người mẹ Trung Hoa xem giờ luyện tập đầu tiên vô cùng dễ dàng, chỉ tới giờ thứ 2 và thứ 3 thì mới thật sự là khắt khe. Bố mẹ Trung Quốc thường dành thời gian lâu hơn gấp 10 lần để cùng con ôn luyên học hành, trong khi đó những đứa trẻ phương Tây thì tham gia vào các môn thể thao. Rất nhiều các bậc phụ huynh ở quốc gia này cũng cho con họ đi học thêm từ những năm tháng đi học đầu tiên với một hy vọng rằng con họ có thể học tốt hơn so với các bạn đồng trang lứa.
Cô gái Harvard Yiting thì không còn xa lạ gì với chế độ học tập nghiêm ngặt. Bố mẹ cô ấy đã bắt cô ấy phải nhảy dây mỗi ngày ở nhà cho đến khi cô đạt được giải thưởng trong cuộc thi nhảy dây ở trường và buộc cô phải giữ được viên đá lạnh trong hai lòng bàn tay của mình cho đến khi Yiting có thể tăng được mức chịu đựng.


5. Bố mẹ thường thẳng thắn với con cái về những việc cần phải làm được
Những người phụ huynh này sẽ không bao giờ vòng vo với con cái. Mà họ - những người mẹ Trung Quốc sẽ nói thẳng vào mặt con rằng con đã làm sai điều gì. Trong văn hóa Trung Hoa, những cách nói hoa văn thường rất hiếm gặp. Giáo sư Chua nói rằng, những bố mẹ này sẽ không bao giờ quan tâm tới tâm lý của con, họ chỉ nhấn mạnh vào sức mạnh và ghét sự mong manh, yếu ớt.
Bố mẹ tin rằng con cái của họ đủ mạnh mẽ để có thể chịu được cảm giác xấu hổ và có thể tận dụng nó vào việc học. Họ không thể yên tâm ở con cái họ khi mà con chỉ có một mức học tập trung bình.


6. Bố mẹ tin họ biết điều gì là tốt nhất cho con cái
Họ luôn tin rằng tất cả những việc họ làm cuối cùng cũng là đem lại điều tốt nhất cho con. Họ tự cho mình có quyền để buộc vào con những sở thích mà họ cho là phù hợp. Một minh chứng rõ ràng là những nữ sinh Trung Quốc không được phép có bạn trai vào thời kỳ Trung học và tuyệt đối không được ngủ qua đêm ở nhà người lạ. Phong cách độc đoán của những bậc phụ huynh được dán nhãn “tốt nhất cho con” là cách mà bố mẹ Trung Quốc thể hiện tình yêu thương với con cái mình.
Trong khi bố mẹ phương Tây thì rất mực tôn trọng quyền cá nhân của con cái mình và luôn tạo một môi trường tích cực xung quanh con. Còn với bố mẹ Trung Hoa, họ tin rằng họ cần hướng con cái với những kỹ năng, làm con thấm nhuần thói quen làm việc, giúp con nhận ra khả năng của mình và đồng thời phát triển sự tự tôn của con để con có một tương lai thành công.


7. Bố mẹ luôn kiểm soát tình hình để đạt được thứ cần có
Những người mẹ Trung quốc có thể trở nên rất kiểm soát con cái của họ để tạo cho con cách ứng xử và kết quả học tập tốt nhất. Họ ra lệnh cho con họ những gì được và không được làm. Giáo sư Chua đã từng đe dọa đứa con gái 7 tuổi của cô rằng bé con sẽ không được ăn trưa, ăn tối, sẽ không có quà tặng sinh nhật và rằng cô sẽ làm bất cứ điều gì để khiến con gái phải thành thục trên các phím đàn piano.
Gia đình của Chua đã từng có lúc biến thành “vùng chiến trận” và Lulu thì nổi loạn vì phải chịu đừng sự hà khắc của mẹ, việc đó chỉ dừng lại khi mà con gái cô đã luyện đàn một cách thành thục. Lulu còn thừa nhận rằng việc luyện đàn đã trở nên rất dễ dàng. Trong quyển sách của mình, giáo sư Chua cũng viết rằng không có cách nào tốt hơn để xây dựng sự tự tin trong ai đó bằng việc khiến người ấy đạt được thành tựu trong một lĩnh vực nhất định mặc dù để đạt được nó không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Cách “giáo dục thép” của những phụ huynh Trung Quốc có lẽ không phải là lựa chon thích hợp cho nhiều cặp bố mẹ trên thế giới, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng nền giáo dục ấy đã tạo ra những con người tài năng trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Đây đúng là một tình yêu “sắt đá” nhưng một cách nào đó nó lại phù hợp cho con cái họ.
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Câu chuyện về lòng tự tôn của người nghèo

Chồng tôi dạy học ở một trường trung học trọng điểm của huyện, nên chúng tôi chuyển đến sinh sống ở trong trường cho thuận tiện. Hôm đó, một em học sinh nữ đến gõ cửa nhà tôi, đằng sau em là một người đàn ông trung niên với làn da đen nhánh hằn rõ nỗi vất vả trên khuôn mặt. Nhìn dáng vẻ của họ, tôi đoán là bố của em học sinh này, hai bố con họ đi vào trong phòng và ngồi xuống ghế với vẻ rất khách sáo.
                                     

Họ cũng không có việc gì, chỉ là hôm ấy người bố đã đạp xe hơn 40 km để đến trường thăm cô con gái đang học ở đây. Người bố nói: “Tôi thuận tiện lên xem xét tình hình của con gái, muốn qua hỏi thăm thầy giáo! Ở nông thôn cũng không có thứ gì, chỉ có mười quả trứng gà đem lên biếu thầy!” Người bố nói xong, liền hạ chiếc túi vải đang đeo trên vai xuống và lấy ra mười quả trứng gà để trong một chiếc túi đựng rất nhiều trấu. Tất nhiên, động tác của ông rất nhẹ nhàng và cẩn thận vì để cho trứng không bị vỡ.


Tôi đề nghị với hai bố con: “Cũng đang là bữa trưa, mời hai bố con ở lại, tôi làm bát mì vằn thắn ăn nhé!”
Hai bố con vẻ mặt hoảng hốt lo lắng, sống chết thế nào cũng không chịu ở lại. Tôi phải nhờ chồng dùng sự uy nghiêm của thầy giáo mới “chấn nhiếp” được họ ở lại.
Lúc ăn mì, hai bố con cô học trò vẫn tỏ ra e ngại và có chút gò ép nhưng cũng rất vui vẻ vừa ăn vừa trò chuyện.
Lúc tiễn hai bố con họ ra về, người bố với vẻ mặt băn khoăn khó hiểu hỏi tôi:“Vì sao chỉ là 10 quả trứng gà mà cô lại phải cúi người xuống nhận? Lại còn mời cha con tôi ở lại ăn mì nữa?”
Tôi mỉm cười trả lời: “Bởi vì tôi đã trải qua một sự việc tương tự như thế này cách đây 20 năm về trước.”
Có nhiều thứ bị người khác coi là không có giá trị, nhưng lại là bảo vật của người khác…
Vào mùa hè năm đó, khi tôi mới 10 tuổi. Một hôm, trời đã rất tối, không hiểu có chuyện gì mà cha của tôi phải gọi một cuộc điện thoại cho chú tôi sống ở một nơi rất xa.
Tôi đi theo sau lưng cha, đi tới một bưu cục ở thị trấn nhỏ cách nhà tôi khoảng chừng 5km, trên vai tôi vác một chiếc túi vải đựng 7 quả lê to vừa mới hái trong vườn nhà.
Cây lê này cha tôi trồng và chăm sóc cho nó đã được 3 năm, năm nay là năm đầu tiên nó ra được 7 quả này. Em gái tôi hàng ngày tưới nước và mong ngóng nó lớn lên, nhưng tối hôm ấy toàn bộ số quả lê trên cây đã bị cha tôi hái đi rồi. Em gái lo lắng và rất buồn, bố tôi thì quát to: “Bố hái nó mang đi làm việc đấy…!”
Bưu cục sớm đã tan tầm, người trực điện thoại là một người họ hàng xa của gia đình tôi, theo quan hệ bề bậc thì tôi gọi là dì.
Lúc đến nhà dì, cả nhà họ đang ăn cơm, cha tôi nói với dì về ý định đến đây, dì chỉ ừ một tiếng mà không nhúc nhích gì cả. Hai cha con tôi đứng ở bên ngoài dựa vào cánh cửa đợi, quần áo của hai cha con đều cũ rách lại đứng dưới ánh đèn trông càng rách rưới hơn.
Chúng tôi đợi đến lúc dì ăn cơm xong, dì đánh răng rửa mặt rồi ngồi duỗi chân nói:
“Đưa số điện thoại cho tôi rồi cứ đứng đợi ở đó, tôi đi gọi xem có thông không đã!” vì nhà dì ở gần bưu cục.
Thái độ của dì có phần khinh khỉnh, nó xoáy tận vào trong tâm trí tôi, khoảng 10 phút sau thì dì trở ra nói: “Đã gọi được rồi, tôi cũng nói rõ luôn rồi đấy, tiền điện thoại là năm nghìn.”
Cha tôi vội vàng móc tiền từ trong túi quần một cách rất bối rối và bảo tôi nhanh lấy mấy quả lê ra. Không ngờ, dì một tay xua xua và nói to:“Không! Không! Không cần! Trong nhà tôi còn nhiều lắm! Hai bố con đi vào chuồng lợn mà xem, lợn còn ăn không hết ấy chứ!…”
Lòng tự tôn của người nghèo dường như không đáng một đồng xu…!
Trên đường trở về nhà, tôi ôm chiếc túi đi theo sau cha mà khóc suốt một chặng đường. Tôi cảm thấy chỉ vì chúng tôi nghèo khó mà tình thân máu mủ cũng bị phai nhạt, cũng bởi vì nghèo khó mà chúng tôi ở trong mắt người giàu không có chút tự tôn nào.
Từ đó về sau, trong quá trình tôi lớn lên, động tác xua tay và câu nói của dì đã hằn sâu trong lòng tôi và tôi luôn ghi nhớ để mình không bao giờ hành xử như vậy.
Tôi tin rằng bát mì hôm nay là tôi có thể xóa đi khoảng cách sự mặc cảm trong hai cha con họ. Bởi vì sức mạnh của tình yêu thương luôn luôn lớn hơn sức mạnh của sự tổn thương. Người nghèo không phải ý chí của họ đều nghèo, người nghèo cũng có tự tôn! Không cần biết mọi người có bao nhiêu tiền….Chúng ta đều cần tôn trọng lẫn nhau!
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Bố mẹ có hiểu nhầm về con?

Ai cũng muốn trở thành bố mẹ tốt, nuôi dạy được những đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc, tử tế, giỏi giang, thành công mọi thứ. Tuy nhiên rất nhiều người trong chúng ta không nhận ra được rằng mình đang không đủ tin tưởng ở con, cũng như ở chính mình!

Và vì không đủ tin tưởng nên có những chuyện chúng ta đang hiểu nhầm con, như:
Con không bao giờ biết nghe lời!
Con có nghe lời chứ! Thậm chí thỉnh thoảng khi bạn quy tội con hư thì thật ra bé có đang nghe lời bạn đấy chứ, chỉ là có thể không theo cách mà người lớn chúng ta trông đợi mà thôi – cái cách ấy có phải lúc nào cũng thực tế và khả thi đâu. Trong khi đó các con ở tuổi chập chững – mẫu giáo mới bắt đầu phát triển và khẳng định sự độc lập của mình, hoặc bé đang quá bận suy nghĩ tìm ra cách nào để đi tè đi ị mà không bị dính ra quần, hoặc làm sao để cầm muỗng xúc điệu được như mẹ…
Trẻ con loạn lắm!
Chúng đòi hỏi, chúng rên rỉ, chúng gào ầm ĩ… khi không được bạn cho phép điều gì đó. Nhưng thật sự bạn có nghĩ nguyên nhân của sự rối loạn này thật ra là do bạn? Do bạn chưa đủ tin nên cứ ra sức điều khiển các con như rối trong tay mình, mà thói đời con giun xéo lắm tất nhiên quằn, sinh ra phản kháng, chống đối…
Và kể cả khi chúng ta cố gắng nói lý lẽ ở ngang tầm của con mà gặp phải sự bất hợp tác thì bé cũng có rất nhiều lý do khác nhau, thường là do bé đang quá chìm đắm trong 1 suy nghĩ hoặc cảm xúc nào đó và chưa thoát ra được để có thể nghe những lời ngon ngọt của bạn.
Ta phải làm mọi thứ cho con!
Nào có phải như vậy, vấn đề không phải chúng ta làm gì cho các con mà là ta đã dạy các con tự làm mọi việc như thế nào. Bạn đã dạy con chưa? Tuổi nhỏ thì cũng có những việc nhỏ có thể làm, nên bạn hãy cứ bắt đầu đi, đừng nghĩ bây giờ vẫn là quá sớm!
Sở thích của trẻ con rất kỳ!
Ở đây không chỉ nói đến chuyện chúng kén ăn thế nào, bao nhiêu món ăn ngon hết sức ngon mà mời 5 lần 7 lượt vẫn lắc đầu quầy quậy. Rồi lại còn sở thích liên quan đến sách vở, âm nhạc, các chương trình TV, rồi hoạt hình Orgy nữa chứ… Không hiểu vì sao mà chúng thích những thứ nhố nhăng ấy đến thế, xem đi xem lại hoài không chán.
Con luôn bé bỏng!
Bạn nghĩ sao chứ con bạn đang lớn lên từng ngày còn gì! Về thể chất – ừm, sự phát triển thể chất của con có thể khiến bạn cảm thấy hơi chậm chạp, nhất là nếu mỗi tháng cân đo bạn vẫn thấy những con số không suy suyển. Bạn hãy cố gắng bình tĩnh, lớn nhanh quá chẳng hóa ra Thánh Gióng sao? Dù cân nặng của con chỉ nhích dần từng tí xíu 1 thôi thì cơ thể con cũng đang phát triển để giúp bé làm chủ được ngày càng nhiều kỹ năng vận động. Chẳng hạn như mới tuần trước con còn bám tường như thạch sùng thì tuần này đã có thể tự chập chững đi, hay tuần trước còn chưa thể cầm bút cho đàng hoàng thì tuần này đã tự tin gạch được những nét dài, trước khi ăn mẹ phải đút thì nay con đã có thể cầm được muỗng và đút vào mồm… (Tất nhiên, nếu quá lo lắng, cảm thấy sự phát triển thể chất của con có vấn đề, bạn hãy đưa bé đến khám bác sỹ!)
Về cảm xúc, nhận thức, tình cảm của con cũng có nhiều trưởng thành tương ứng nhé. Chẳng hạn như con biết nói nhiều từ hơn, con biết hôn gió chào mẹ đi làm, con có thể tự chơi 1 mình mà không khóc, không bám mẹ 24/7 như trước… Những trò ma lanh, “đốn tim” người khác của con nhiều đến nỗi bạn ngỡ ngàng, thậm chí thỉnh thoảng còn thầm ước con ơi đừng lớn nhanh quá còn gì.
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Làm gì để hạn chế những tác hại xấu từ TV lên trẻ?

Nói cho đúng thì các chương trình truyền hình, các trò chơi trực tuyến trò chơi điện tử tương tác là những nguồn giải trí đồng thời cung cấp thông tin giáo dục tuyệt vời; nhưng rõ ràng ngồi bên màn hình nhiều có thể ảnh hưởng rất không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ
Đó là lý do vì sao các bậc phụ huynh nên giám sát và giới hạn thời gian xem TV hay chơi game của con mình. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi xem TV hay vi tính; trẻ lớn hơn 2 tuổi cũng không nên xem quá 1-2 giờ/ ngày và phải có chọn lọc. Nhưng làm cách nào để bạn có thể "dứt" con khỏi những cái màn hình hấp dẫn đó, dưới đây là một số gợi ý:
- Không đặt TV, máy tính trong phòng của con;
- Hạn chế xem TV khi đang ăn cơm - thói quen của không ít gia đình;
- Để ở trong phòng đặt TV, máy tính nhiều “thú giải trí” khác như sách, báo, đồ chơi, bộ ghép hình… để khuyến khích con làm thứ gì khác hơn là cứ dán mắt vào màn hình;
- Coi TV, máy tính không phải quyền lợi nghiễm nhiên mà là một “đặc quyền” con cần cố gắng để đạt được. Bạn có thể bảo con chỉ được xem TV sau khi đã làm xong bài tập và những công việc nhà được phân công;
- Khi đã xem hết chương trình đã “đăng ký” thì tắt TV hoặc chuyển sang công việc khác chứ không tiếp tục dò các kênh khác để xem tiếp.


Khoảng thời gian sử dụng TV, máy tính cũng có thể trở nên ý nghĩa hơn nếu bạn:
- Đặt ra một ngày “cấm”: Thời buổi ngày nay, bài tập về nhà, các hoạt động ngoại khóa, các áp lực và trách nhiệm của công việc khiến cho việc tìm ra khoảng thời gian gia đình dành cho nhau trở nên thật khó khăn. Vậy nên bạn hãy đặt ra một ngày nào đó trong tuần để giới hạn thời gian xem TV, thay vào đó là cùng nhau ăn, chơi, đọc sách, hay bất cứ hoạt động hữu ích nào khác.
- Làm gương tốt: bố mẹ hãy tự giới hạn thời gian xem TV của mình. Nếu bạn để bị lệ thuộc vào TV thì làm sao nói được các con cơ chứ.
- Ghi nhận những chương trình truyền hình phù hợp mà cả gia đình có thể cùng xem với nhau, đó nên là những chương trình liên quan đến những mối quan tâm, sở thích của con hoặc gia đình và có tính giáo dục cho con. Nhớ duyệt trước để đảm bảo chương trình là phù hợp trước khi để cho các con xem, bạn có thể tham khảo các chuẩn xếp hạng chương trình từ những nguồn xung quanh, trên báo… Việc này cũng không quá phức tạp vì những cảnh báo về độ tuổi cũng như đối tượng người xem nay cũng xuất hiện rõ ràng trước hầu như mọi chương trình cần lưu ý trên các kênh truyền hình cáp.
- Cùng xem với con: Nếu bạn không thể xem hết từ đầu đến cuối chương trình, ít nhất hãy cùng con xem vài phút đầu để nắm được phong cách của chương trình đó và xem nó có phù hợp hay không; và sau đó hãy quay lại nếu có thể.
- Nói chuyện với con về những điều bé thấy trên TV, chia sẻ những suy nghĩ, niềm tin cũng như những chuẩn mực của bạn. Nếu bạn không thông qua được những gì thấy trên TV, hãy tắt nó đi và dùng đây như một cơ hội để hỏi về những suy nghĩ của con như: “Con nghĩ họ có bắt buộc phải đánh nhau như thế không? Nếu là con thì con sẽ làm thế nào?” Hoặc: “Con nghĩ gì về chuyện các bạn trên phim đã làm ở buổi tiệc? Con có nghĩ thế là sai không?”
Như vậy, bạn có thể dùng TV để giải thích cho con về những tình huống khó hiểu và cả khó... xử (giới tính, tình yêu, ma túy, rượu bia, hút thuốc, công việc, hành vi, cuộc sống gia đình…) Hãy dạy con đặt câu hỏi và học từ những gì thấy trên truyền hình.
- Đề nghị những lựa chọn thú vị khác: Nếu con muốn xem TV mà bạn lại muốn chúng tắt đi, hãy đề nghị những lựa chọn thú vị khác như chơi cờ, ra ngoài chơi, đọc sách… Khả năng có khoảng thời gian chất lượng và vui vẻ, không những thế còn phát triển được thể chất và tinh thần khỏe mạnh mà không cần đến chiếc TV là vô cùng tận. Bạn cũng hãy trao đổi thêm với bạn bè mình, những phụ huynh khác, giáo viên… về “luật TV” của họ cũng như những chương trình bổ ích mà họ có thể giới thiệu.



An toàn trên Internet
Giúp con hiểu được về các trò chơi, giám sát tác động của chúng lên con trẻ. Nếu con bạn có vẻ hung hăng hơn sau khi chơi một trò chơi nhất định, hãy trao đổi với con về trò chơi đó và giúp con hiểu tính bạo lực có thể được thể hiện khác với ngoài đời thực như thế nào. Bạn làm như thế sẽ có thể giúp con phân biệt mình khỏi những nhân vật hung hăng và giảm tác động tiêu cực mà các trò chơi điện tử có thể đem đến.
Dành thời gian lên mạng cùng nhau, dạy con thái độ và cách hành xử phù hợp khi lên mạng.
Lưu lại những website ưa thích của con. Con bạn sẽ dễ dàng truy cập vào những trang web này và hạn chế những lỗi gõ sai có thể dẫn đến những trang có nội dung không phù hợp.
Bạn hãy trở thành chuyên gia về máy tính, nếu không thì ít nhất bạn cũng cần biết cách làm thế nào để đặt mật khẩu hay để chặn các dữ liệu không phù hợp.
Tìm những phương pháp bảo vệ trực tuyến khi con sử dụng máy tính ở những nơi khác không dưới sự kiểm soát của bạn (ở trường, trung tâm ngoại khóa, từ nhà bạn bè...), tuy nhiên, tốt nhất vẫn là bạn dạy con cách tự chủ từ trước đó. Chúng ta không thể lúc nào cũng ở bên để bảo vệ con, nhưng có thể dạy con cách tự bảo vệ mình tốt mà, phải không nào?
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Tác hại từ những thiết bị điện tử

Ngày nay, không khó để nhìn thấy cảnh các em nhỏ đang giải trí với một thiết bị điện tử hiện đại nào đó. Xa rồi cái thời điện tử cầm tay lên ngôi, một đứa chơi, cả mười đứa đứng hóng. Bây giờ, mỗi đứa trẻ đều chơi trò chơi điện tử trên những chiếc điện thoại cảm ứng hay iPad đời mới. Tuy nhiên hiểm họa từ sự vô tư của phụ huynh khi để con làm bạn với những thiết bị điện tử là không hề nhỏ.
Thế giới của con chỉ nằm trong màn hình
Vì quá bận rộn hay không muốn chơi với con, nhiều bậc cha mẹ đã dỗ con bằng cách cho mượn điện thoại để chơi hoặc đầu tư sắm hẳn một iPad mini để con chơi cho thỏa thích. Sau đó, họ có thể yên tâm làm việc của mình và không quên khoe rằng, con của mình rất ngoan. Suốt ngày con chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ, chơi với iPad, không bao giờ chán, không quậy phá la hét hay đòi hỏi ba mẹ bất cứ điều gì.
Trên thực tế, để con suốt ngày cắm mắt vào màn hình là một sự thất bại của ba mẹ trong việc nuôi dạy con. Vì điều này sẽ khiến con thụ động, ù lỳ và sống trong thế giới của những nhân vật ảo. Nào là phim hoạt hình có nhiều cảnh đánh nhau, nào là những nhân vật kỳ lạ trong các trò chơi điện tử… cứ ám vào đầu, dần dần khiến con lười giao tiếp, lười nói và có chiều hướng cư xử, nói chuyện y chang những nhân vật ảo đó.
Cận thị, lệch xương sống vì thiết bị điện tử
Sau TV là đến thời đại của smartphone, iPad… chiếm trọn tuổi thơ của đa phần trẻ em thành phố. Vì thế người ta không lạ khi nhìn thấy đến 2/3, thậm chí ¾ trẻ em đeo kính từ bé do bị cận hoặc loạn thị. Không chỉ làm các bé vướng víu với đôi kính, độ cận và loạn của trẻ có thể tăng lên rất nhanh nếu vẫn cứ sử dụng smartphone, iPad… với cường độ cao.
Bên cạnh đó, nhiều bé vì mê chơi quá nên đã ngồi không đúng tư thế trong suốt thời gian dài, dễ dẫn đến lệch xương sống.
Bức xạ từ thiết bị di động bắt sóng wifi ảnh hưởng đến thần kinh
Theo một số chuyên gia, cơ thể và não trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên rất dễ hấp thu bức xạ vi sóng. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh, mức độ tổn thương do bức xạ rất cao. Cũng theo các chuyên gia này, trong vòng mười năm vừa qua, số lượng trẻ em bị rối loạn thần kinh tăng đột biến – tương đương với khoảng thời gian mà thiết bị di động, wifi lên ngôi và xuất hiện ở khắp mọi nơi, làm chủ cuộc sống của hầu hết tất cả mọi người.
Tuy nghiên cứu này còn nhiều tranh cãi nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo các bà mẹ mang thai tránh xa các thiết bị di động bắt sóng wifi, gia đình cũng nên để điện thoại cách xa em bé em bé sơ sinh.
Khoảng cách an toàn từ thiết bị di động đến trẻ nói chung là 20cm.
Hiện nay, bức xạ vi sóng từ các thiết bị di động có kết nối wifi cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư ở người.
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Có nên cho con dùng điện thoại hay không?

Con của bạn đang tuổi đi học và con bày tỏ muốn có điện thoại riêng, bạn có đồng ý không? Thường thì các bậc phụ huynh sợ con chưa đủ tuổi chín chắn, chưa có trách nhiệm, dễ bị lơ là việc học do dùng điện thoại, rồi các nguyên tắc sử dụng điện thoại an toàn, kết nối với những người khác… nên sẽ không đồng ý
Tuy nhiên, bên cạnh những băn khoăn đó, vẫn có những lý do để ba mẹ cho phép con dùng điện thoại từ sớm.
1. Điện thoại di động để giúp trẻ được an toàn
Lý do đầu tiên khi cho con sử dụng điện thoại di động là để bảo vệ con. Con có thể gọi cho ba mẹ, người thân hay gọi đến các tổng đài hỗ trợ khi gặp trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra bạn có thể biết chính xác con đang ở đâu nhờ vào định vị GPS.
2. Thuận tiện liên lạc
Con muốn xin phép hay liên lạc với ba mẹ thì có thể gọi ngay, không cần phải tốn công tìm một chiếc điện thoại công cộng để gọi, vừa tốn thời gian, vừa bất tiện. Đồng thời ba mẹ có thể gọi cho con bất cứ lúc nào cũng được, để hỏi con đang ở đâu, khi nào con về hoặc bất kỳ khi nào có việc cần, việc gấp…
Đặc biệt trong những trường hợp có thay đổi về lịch học hay kế hoạch đã định sẵn trước, một cú điện thoại là có thể thông báo và thu xếp được ngay.
3. Giá cả phải chăng
Giá của một chiếc điện thoại di động chắc không phải một bài toán lớn cho kinh tế gia đình. Trừ khi gia đình dư dả, bình thường bạn chỉ cần vài trăm ngàn là có thể sắm cho con được một chiếc điện thoại có đầy đủ các tính năng nhắn tin, nghe – gọi. Trường hợp sắm smartphone cho con, bạn cần cân nhắc kỹ hơn một chút. Bởi những tính năng vượt trội của smartphone có thể làm con xao nhãng, những chiếc điện thoại đắt tiền có thể bị mất trộm hoặc khiến con dễ bị các đối tượng xấu để ý khi đi ra đường, dễ gặp nguy hiểm.
4. Dạy con có trách nhiệm
Khi con có một vật sở hữu giá trị, con sẽ học cách được cách sử dụng, giữ gìn nó và có trách nhiệm với những mối liên hệ xung quanh chiếc điện thoại.
Mẹ có thể thỏa thuận với con một số nguyên tắc khi sử dụng điện thoại để giúp con sử dụng điều độ, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và việc học tập.
5. Có thể nhắn tin với con như một người bạn
Nhắn tin với con là một ý tưởng hay đấy mẹ ạ. Ba mẹ và con có thể nhắn cho nhau những lời chúc nhân dịp lễ lạt, có thể đơn thuần là tin nhắn hỏi thăm, và những khi buồn có thể nhắn tin để tâm sự.
Đây cũng là một kênh giao tiếp để ba mẹ và con cái hiểu nhau hơn.
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Dạy con xử lý trước những lời chọc ghẹo

Dù muốn hay không, sự chọc ghẹo cũng là một phần của cuộc sống – hay ít nhất là trong thời gian trước khi trưởng thành, không ai tránh khỏi những lúc bị người khác chọc ghẹo. Sớm hay muộn, con bạn cũng sẽ nhận ra rằng ngôn từ có sức mạnh vô cùng lớn, đủ để làm chúng khó chịu hoặc bị tổn thương.
Chính vì vậy, là một phụ huynh, bạn hãy giúp con đối phó với những lời chọc ghẹo, đặc biệt là từ bạn bè cùng trang lứa. Những lời này tưởng chừng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng vô cùng lớn đối với trẻ về sau.


Tại sao trẻ con hay chọc ghẹo?
Đối với trẻ con, những người bạn xung quanh có tác động và ảnh hưởng vô cùng lớn. Bởi từ khi bắt đầu đến trường bé đã muốn tự khám phá và khẳng định bản thân. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong những năm đầu bậc tiểu học, trẻ con thường cố tìm những thiếu sót hay khác biệt của bạn bè để trêu chọc, từ việc đeo kính cho đến cân nặng hay những khiếm khuyết khác trên cơ thể, đó cũng là cách trẻ thể hiện và nâng cao lòng tự trọng của mình.
Con bạn cũng có thể tham gia vào những trò chọc ghẹo kiểu như vậy và biết đâu chính bé cũng đã vô tình làm tổn thương những đứa trẻ khác. Và nguyên nhân của vấn đề này thường bắt nguồn từ người lớn. Trẻ sẽ học theo thái độ mỉa mai, chọc ghẹo của bố mẹ, anh chị, và cả trên các chương trình truyền hình. Hầu hết trẻ em tùy vào từng thời điểm đều có thể vướng phải một trong hai trường hợp: chọc ghẹo bạn bè hoặc bị bạn bè chọc ghẹo.
Khi con bạn bị chọc ghẹo
Bạn không thể hoàn toàn bảo bọc con khi bé đã đến trường, cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn việc những đứa trẻ khác chọc ghẹo con mình. Nhưng bạn có thể giúp bé đối phó với những lời chọc ghẹo gây ra thương tổn bằng những cách sau:
Đồng cảm: Chia sẻ với con rằng thật không hề dễ chịu tí nào khi bị người khác chọc ghẹo. Hãy tỏ ra cảm thông với con và nói những lời động viên giống như chính bạn đã từng trải qua hoàn cảnh như vậy. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích con chơi với những người bạn tốt – những người không chọc ghẹo bạn bè và khiến bé cảm thấy thoải mái.
Rèn luyện: Nói với con rằng hãy cố giữ bình tĩnh và kiểm soát bản thân, như vậy mới có thể chống chọi được với những lời chọc ghẹo. Tiếp đó, bạn hãy cùng con thảo luận phương án đối phó với những lời chọc ghẹo, tham khảo ý tưởng của con và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Bạn cũng có thể đóng vai một người bạn chọc ghẹo để con luyện tập sự kiềm chế và khả năng ứng phó của mình trong những tình huống tức giận. Câu nói đơn giản nhất có thể giúp ích cho con bạn là: “Tớ không thích bạn nói về tớ như vậy. Tớ sẽ chơi với bạn khác”. Sau đó, bé có thể tìm những người bạn tốt và hợp ý hơn để chơi cùng.
Hoặc bạn cũng có thể dạy con bỏ ngoài tai những lời chọc ghẹo và tiếp tục vô tư chơi đùa như không có chuyện gì xảy ra. Những đứa trẻ chọc ghẹo luôn mong chờ phản hồi của “nạn nhân”, vì thế, nếu con bạn tỏ ra không quan tâm và không hề bị ảnh hưởng bởi những lời chọc ghẹo ấy thì người khó chịu chính là những đứa trẻ đang trêu ghẹo con bạn. Và chỉ sau vài lần, chắc chắn bọn trẻ sẽ dừng trò trêu ghẹo của mình lại.
Trong một vài trường hợp, bạn có thể dạy con đối đáp lại những lời châm chọc kia, tất nhiên, đó chỉ nên là những lời khẳng định hoặc đối đáp ở mức độ vừa phải để không nổ ra những xung đột sau đó. Ví dụ: khi một đứa trẻ khác mỉa mai con bạn “Giày của bạn đẹp ghê nhỉ,” với dụng ý châm biếm đôi giày cũ của bé, thì bé có thể nói “Không, tớ thấy giày của bạn đẹp hơn.” Hoặc khi một đứa trẻ khác chê cười con bạn về một điều gì đó, hãy dạy bé dõng dạc phủ nhận và nêu ra những ưu điểm khác của mình. Thông thường, những đứa trẻ hay chọc ghẹo bạn bè thường không hề chuẩn bị tâm lý khi bị đáp trả nên chúng sẽ rất bị động, lúng túng.

Dạy con nhờ giúp đỡ khi cần thiết: Đối với những lời chọc ghẹo nặng nề và gây tổn thương lớn, con bạn sẽ khó có thể một mình đương đầu. Hãy dặn con nhờ sự giúp đỡ của giáo viên. Bằng sự hiểu biết về các thành viên trong lớp, giáo viên sẽ đưa ra những biện pháp phù hợp để giải quyết tình trạng này và xây dựng nên tình bạn tốt đẹp hơn giữa bọn trẻ.
Dạy con không được phản ứng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”: Cho dù những lời chọc ghẹo có khiến con khó chịu hay bực tức đến như thế nào thì bé cũng không nên có những đáp trả tiêu cực. Bạn hãy dặn con rằng đừng vì bị bạn bè trêu chọc mà phản ứng bằng cách bêu xấu lại họ. Đồng thời, phụ huynh có thể giúp con trẻ cảm nhận những lời chọc ghẹo vô hại một cách tích cực hơn. Chẳng hạn, nếu bé bị bạn bè chọc là “heo con” vì cân nặng của bé, bạn hãy nói rằng đó là một cái tên đáng yêu và xinh xắn. Đồng thời, bạn cũng cần giúp con khắc phục những thói xấu, những khuyết điểm không tốt thường là nguyên nhân khiến bé bị bạn bè chọc ghẹo (như thói quen cắn móng tay).
Khi con bạn chọc ghẹo những đứa trẻ khác
Đừng phản ứng thái quá: Bạn sẽ cảm thấy thất vọng khi thấy con mình buông ra những lời mỉa mai cay độc nhưng hãy giữ bình tĩnh và giải thích cho bé hiểu vì sao không nên cư xử như vậy. Đừng chỉ trích hay la mắng nặng nề mà hãy chỉ nói “Mẹ biết con không cố ý chọc ghẹo bạn, nhưng những lời nói của con sẽ khiến bạn buồn và tổn thương, con không thích điều đó đâu, phải không nào?”
Bạn không cần thiết phải nhắc đi nhắc lại sự sai trái của bé mà hãy nói cho con nghe về cảm giác của người bạn bị chọc ghẹo, yêu cầu bé thử đặt mình vào hoàn cảnh ấy. Cách làm này sẽ tác động mạnh vào tình cảm, cảm xúc của bé và sẽ mang lại hiệu quả cao.
Nhấn mạnh vào sự cảm thông: Dù con bạn trêu chọc bạn bè như thế nào và vì bất cứ lý do gì, bạn cũng hãy dùng sự cảm thông của mình để uốn nắn. Hãy nhắc nhở con về cảm giác của bé khi bị người khác trêu chọc, luôn nói với con rằng bạn hiểu bé không cố ý làm tổn thương người khác. Bạn cũng có thể nói rằng con không sai khi chú ý vào những điều khác biệt của bạn mình nhưng đừng tỏ ra buồn cười hay trêu ghẹo họ vì bản thân mỗi người đều có những nhược điểm, những nét khác biệt riêng.
Hãy làm gương tốt cho con: Con bạn sẽ không thay đổi nếu bé thường xuyên chứng kiến bố mẹ mình buông những lời bình phẩm không tốt hoặc mỉa mai diện mạo của người khác.

Tìm hiểu nguyên nhân: Sự ganh tỵ cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chọc ghẹo người khác. Điều này hay xảy ra trong gia đình, khi bạn dành sự quan tâm cho bé ít hơn đối với em mình, bé sẽ phản ứng bằng cách chọc ghẹo em cho “bõ tức” hoặc để dò xem phản ứng của bạn. Trong trường hợp này, bạn hãy tạo điều kiện cho các con gần gũi và yêu thương nhau hơn, đồng thời thể hiện sự công bằng trong việc chăm sóc các con; từ đó, bé sẽ khắc phục được thói xấu của mình.
Đối với bạn bè ở trường cũng vậy, bạn hãy thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với con về những cảm xúc của bé để có những uốn nắn kịp thời. Sự chọc chẹo của bé sẽ chỉ chấm dứt khi nào bạn biết rõ nguyên nhân và có cách giải quyết phù hợp. 
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Cách dạy con xử lý khi bé đi lạc

Mùa hè là mùa đi chơi, đi du lịch, và tại những nơi đông người, chuyện lạc nhau là hoàn toàn có thể xảy ra. Con đi lạc là một trong những cơn ác mộng lớn nhất của các bậc phụ huynh - trong đó có bạn - nhưng bạn đã biết cách nào để phòng ngừa trường hợp xấu xảy ra hay chưa?

Bạn rất dễ lạc con trong đám đông, trong những nơi như trung tâm thương mại, công viên giải trí, bến tàu xe… Lý tưởng nhất là mỗi người lớn chỉ chịu trách nhiệm và luôn theo sát 1-2 đứa trẻ, nhưng thực tế điều này không phải dễ. Điều tốt nhất bạn có thể làm là dạy cho con những kỹ năng an toàn để kể cả khi trường hợp xấu xảy ra, bé vẫn không hoảng loạn và có thể xử trí đúng.

Dạy con cách nhờ giúp đỡ: Nguyên tắc “Không nói chuyện với người lạ” có thể khá nguy hiểm, nó có thể làm cho con bạn ngần ngại, không dám nhờ giúp đỡ trong khi bản thân bé không tự xoay sở được. Đã có trường hợp người ta phải mất 4 ngày đêm mới tìm thấy một đứa bé chỉ vì bé đã cố gắng trốn tránh đội tìm kiếm. Thay vào đó, bạn hãy cho con chỉ dẫn cụ thể hơn: con nên tìm đến ai để nhờ giúp đỡ và nên nói như thế nào? Hãy dặn con tìm đến những người có mặc đồng phục, đeo bảng tên (bạn nên chỉ cho bé thấy để dễ nhớ) đó là những người làm việc tại công viên hay cửa hàng… Bé cũng có thể tìm công an, bảo vệ của trung tâm hay bà mẹ có con nhỏ để nhờ giúp. Về phía bố mẹ, bạn cũng cần nhanh chóng đi nhờ giúp đỡ khi không tìm thấy con. Nếu nghi ngờ con mình đã bị ai đó bắt đi, hãy báo công an ngay lập tức!
Dạy con cảnh giác và từ chối:
Dạy con kỹ năng này đòi hỏi thời gian và sự khéo léo của bạn, bởi nó có vẻ mâu thuẫn với một số cách ứng xử trong những tình huống thông thường.
Tuy vậy, bạn cũng đừng quá căng thẳng. Không phải trẻ con là không biết gì đâu, đôi khi chúng có thể cảm nhận được nguy hiểm từ người lạ. Bạn hãy bảo với con nếu bé cảm thấy không thoải mái với người lớn nào đó, bé hoàn toàn có thể từ chối sự giúp đỡ của họ. Dặn con cẩn trọng với những người cứ dụ cho bé ăn quà, cho quà, hay nhờ bé giúp làm gì đó – bởi người lớn thường sẽ chỉ nhờ một người lớn khác giúp mình. Bạn hãy dặn con giữ khoảng cách với người đó, đồng thời thu hút thật nhiều sự chú ý của những người lớn khác vào mình; bé cũng có thể bỏ chạy – luôn chạy về hướng đông người, sáng sủa, quang đãng.
Bạn hãy dựng những tình huống mà con có thể gặp phải khi đi lạc một mình, chẳng hạn như bé không biết đường hoặc có người lạ đề nghị chở bé về… Đây là cách giúp con tập luyện trước để có thể đưa ra được những lựa chọn đúng trong trường hợp thật sự bị lạc.
Những thông tin con cần nhớ:
Bạn có thể dạy con nhớ tên tuổi, địa chỉ, điện thoại của bạn để liên lạc; tuy nhiên không nên trông cậy hoàn toàn vào trí nhớ của một đứa trẻ, nhất là khi bé đang hoảng sợ. Hãy luôn để con đem theo bên mình một mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của bạn và của một người thân khác có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Nhắc con nhớ rằng tờ giấy này bé phải cất kỹ và chỉ đưa cho người có trách nhiệm, có thể giúp bé. Về phần bạn, hãy đặt mức chuông điện thoại cao một chút để bạn có thể nghe thấy trong đám đông.
Nếu con bạn đã lớn một chút, hãy định ra một nơi để tập trung lại trong trường hợp bị lạc nhau. Địa điểm này nên dễ tìm, dễ đến (có thể ở quầy hướng dẫn, quầy thu ngân siêu thị…) Và không phải là thừa đâu nếu mỗi khi đến nơi công cộng, bạn đều lặp lại công đoạn định địa điểm này. Nếu con bạn còn nhỏ, hãy dặn bé đứng yên tại chỗ và chờ. Cho con biết rằng bạn sẽ đi tìm nếu bé bị lạc, nên bé cần đứng nguyên tại chỗ để bạn có thể tìm thấy thay vì cố gắng đi tìm bạn.
Công cụ hỗ trợ:
Đưa cho con một cái còi hay một dụng cụ tạo tiếng ồn để khi bị lạc, bé có thể dùng nó để tạo tín hiệu về vị trí của mình, giúp bạn tìm kiếm dễ hơn. Nếu con bạn đã lớn một chút, hãy trang bị cho bé một chiếc điện thoại để nếu bé bị lạc thì có thể gọi cho bạn hay người thân trong gia đình. Hướng dẫn con cách gọi đến những số điện thoại khẩn cấp (cảnh sát, cứu thương) nếu cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm. Nhiều loại điện thoại còn có chức năng định vị, cũng có thể giúp bạn được khá nhiều.
Bạn đừng phát hoảng lên khi con bị lạc, và dạy bé cũng làm như vậy. Giữ bình tĩnh là điều quan trọng nhất. Phát hoảng lên sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định không tốt và có thể làm cho tình huống trở nên xấu hơn đi. Hãy càng sớm càng tốt, tìm đến những người có trách nhiệm như quản lý quầy hàng hay bảo vệ, và bình tĩnh cung cấp cho họ những thông tin mô tả, tên, tuổi, nơi cuối cùng bạn thấy bé… Luôn giữ trong ví ảnh gần nhất của con để việc tìm kiếm dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu có thể thì hãy cho con mặc quần áo sáng màu, dễ thấy khi đến nơi đông người.
Điều cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng: mặc dù bạn rất hoảng sợ, thậm chí hết cả hồn vía khi con đi lạc nhưng sau đó đừng mắng mỏ, nhiếc móc con. Đi lạc không phải là tội. Tuy nhiên, bạn cần thiết phải cho con biết việc đó nguy hiểm thế nào và dặn con thật chú ý trong lần sau, và nhớ dạy lại cho con những kỹ năng an toàn nữa nhé!
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Trẻ mẫu giáo cần biết gì về tiền?

Nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con sớm tiếp xúc với đồng tiền vì nhiều lý do khác nhau như không muốn để con phải bận tâm đến "chuyện của người lớn", sợ con thực dụng, sợ người xấu… Tuy vậy, trong thời đại ngày nay, dù người lớn không muốn nhưng trẻ con và tiền bạc đã có nhiều "cơ hội" để "gặp" nhau lắm rồi, nhất là sau những dịp Lễ Tết với phong tục mừng tuổi đầu năm.

Đồng tình với quan điểm này còn có ID tunchit1000: “con nhà mình 4 tuổi phải biết bố mẹ cần đi làm mới có tiền mua thức ăn, mua sữa, mua đồ chơi; nên bố mẹ đi làm là con không được quấy rối, và con cũng phải đi học sau này mới kiếm được tiền...”
ID me va cun
cũng cho rằng bố mẹ cần tạo điều kiện và trông nom, giúp đỡ con trong quá trình tìm hiểu “tiền ở đâu ra, và được dùng để làm gì.”

Bên cạnh ý kiến không cho con dùng tiền sớm cũng có những ý kiến ngược lại, như ID NAM100% của diễn đàn chia sẻ: “cần phải giáo dục để trẻ hiểu về tiền và giá trị của tiền. Thứ nhất sẽ giúp trẻ biết tiết kiệm, thứ hai sẽ giúp trẻ hiểu rằng có những thứ không thể có và giúp trẻ biết sử dụng tiền đúng mục đích... Theo mình như thế không hề xấu và cũng không ảnh hưởng tới trẻ.”


Thật sự không bao giờ là quá sớm để dạy cho bé về đồng tiền cả. Trẻ mẫu giáo (đủ lớn đế biết không cho đồng xu vào mồm) có thể chưa hiểu những khái niệm toán học cần thiết để… tính tiền, nhưng bố mẹ đã có thể dạy cho bé những kỹ năng đơn giản nhưng không kém phần quan trọng liên quan đến tiền bạc:
1. Tiền để tiêu, tiết kiệm và chia sẻ
Khái niệm đầu tiên - tiền dùng để mua hàng hóa - là khái niệm đơn giản nhất. Tuy nhiên để bé biết giữ tiền và để dành thì khó hơn một chút; và chia sẻ thì... là cả một quá trình lâu dài nhưng cần thiết - không một bài học về đồng tiền nào là hoàn chỉnh nếu như bạn quên dạy bé biết chia sẻ với người khác.
Một chú heo đất xinh xinh có thể giúp bé làm quen và thực hành cả ba khái niệm trên. Bố mẹ có thể dùng một chú heo đất xinh xinh, hay một cái ví dễ thương hình mèo Kitty, hoặc cùng bé tự trang trí nơi cất giữ “của cải”. Một số chuyên gia khuyên bạn nên giúp bé chia số tiền bố mẹ cho hàng tuần thành ba phần - một để tiết kiệm, một để tiêu dùng, một để quyên góp và giúp đỡ người khác
2. Tiền có giới hạn
Trẻ con thường cho rằng tiền là vô tận, chẳng phải chúng vẫn mọc ra trong ví của bố mẹ đó sao, chẳng phải mỗi khi bé có nhu cầu gì thì bố mẹ vẫn lấy tiền trong ví ra đó sao?
Để con hiểu được rằng “đồng tiền đã tiêu là đồng tiền đã hết”, cách tốt nhất là bạn hãy để bé dùng tiền trong những hoạt động thường ngày. Cho bé “quyền” trả tiền sau khi cùng bố mẹ đi cửa hàng hay siêu thị và mua một món đồ nho nhỏ mà bé thích. Có thể ban đầu bé sẽ ngạc nhiên vì không thể dùng đồng tiền đó để mua một món đồ khác, hay bố mẹ không đưa thêm tiền khi bé thay đổi ý muốn và muốn mua một món đồ khác. Nhưng dần dà bé sẽ hiểu được thôi.
Và vì tiền có giới hạn nên bé phải học cách lựa chọn. Đây là bài học mà đến cả người lớn nhiều khi còn cảm thấy khó khăn, nên đừng trông chờ một đứa bé mẫu giáo hiểu được ngay và đầy đủ. Bạn có thể bắt đầu bài học này bằng cách cho con một khoản tiền nhỏ mỗi tuần và cho bé tự quyết định dùng vào việc gì (tất nhiên là khi được sự cho phép của bố mẹ). Nếu bé quyết định dùng hết ngay trong ngày đầu tiên vào một món đồ chơi, mà thường là như thế, thì những thứ hấp dẫn của những ngày sau coi như chỉ để ngắm mà thôi.

Từ những bài học trên, bé nên được dạy thêm về tiết kiệm. Các chuyên gia đều thống nhất là khi trẻ lên 4 hoặc 5, bạn đã có thể dạy con tiết kiệm bằng cách giúp bé cất giữ tiền để dành cho một “mục tiêu”, như một món đồ chơi chẳng hạn.
4. Không tin quảng cáo
Lại là một bài học nữa mà phải khá lâu bé mới có thể ngấm được, nhưng ít nhất hãy gieo hạt giống đó khi con còn nhỏ. Thật khó để bé hiểu được rằng sản phẩm trên quảng cáo thường long lanh và đẹp đẽ hơn, để mời gọi mọi người mua những thứ mà có thể họ không thật sự cần đến. Tốt nhất là nên hạn chế cho bé xem quảng cáo, và xem TV nói chung.
5. Dạy con cách nói về tiền
Trẻ con có thể ngây thơ đưa ra những câu hỏi "đau hết cả đầu", như nhà của ai đó bao nhiêu tiền, hay ai đó kiếm được bao nhiêu tiền chẳng hạn, dù thật ra chúng thường chẳng có khái niệm gì về những con số ấy cả. Hãy từ tốn giải thích cho con hiểu rằng hỏi người khác kiếm được bao nhiêu tiền hay tiêu bao nhiêu tiền là không lịch sự đâu.
6. Khi dạy con, bạn hãy nhớ:
Làm cho "bài học" thật vui: Bạn có thể dạy con bằng một trò chơi, bài hát, sách tô màu hay những chú heo đất xinh xắn. Đồng thời cũng không nên quá nặng nề mà chỉ nên nhẹ nhàng, vì mục tiêu hiện giờ của ta chỉ nhằm giúp bé hiểu được những khái niệm về đồng tiền, giá trị và cách sử dụng chúng mà thôi.

Tận dụng cơ hội: Những hoạt động hàng ngày của gia đình đều là những cơ hội để dạy con về đồng tiền. Chẳng hạn ở cửa hàng, bạn có thể dạy con bằng việc làm một danh sách những thứ cần mua và tiết kiệm tiền bằng cách không mua những thứ không cần thiết chỉ vì chúng đẹp đẽ hút mắt. Ở ngân hàng, bạn có thể nói với bé về việc bạn gửi tiền vào tài khoản để dành tiêu sau này.
Đơn giản thôi, và đừng nóng vội: Bé sẽ dần dần hiểu thêm được về thế giới khi lớn lên, vậy nên bạn đừng cố nhồi nhét cho con mình quá nhiều thông tin.
Thật ra cũng không hay khi mới còn nhỏ tuổi mà bé đã phải tính toán như người lớn. Hãy nhớ: đây chỉ là những bài học đầu tiên nhất để bé có thể tự tin hơn với những kỹ năng sống được trang bị đầy đủ thôi bạn nhé! 
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Tại sao con cần có bố ở bên?

"Bố lo kiếm tiền còn mẹ quán xuyến việc nhà và nuôi dạy các con," quan điểm này dẫn đến việc ở nhiều gia đình, thời gian bố con gặp mặt trò chuyện với nhau ngày càng bị rút ngắn, ảnh hưởng đến trí tuệ, sự phát triển và khả năng hoà nhập xã hội của trẻ nhỏ. Hãy chấn chỉnh lại suy nghĩ và giúp chồng bạn hiểu được "giá trị thực" của mình để có tác động tích cực hơn lên con cái nhé.


Tầm quan trọng của bố
Các ông bố đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển của trẻ từ sơ sinh đến tuổi trưởng thành. Trong thực tế, nhiều nghiên cứu đã đưa ra cùng một kết luận: trẻ em được bố quan tâm có nhiều lợi thế về mặt quan hệ xã hội và học hành hơn so với các trẻ xa lánh hoặc không có quan hệ gì với bố. Tiến sĩ Maureen Black, nhà nghiên cứu và giáo sư nhi khoa Trường Y Đại học Maryland cho biết, "Mối quan hệ với người cha sẽ giúp ích cho trẻ em rất nhiều." Cụ thể, nghiên cứu của bà cho thấy bố tích cực tham gia vào việc nuôi dạy thì con sẽ có kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn và ít gặp các vấn đề hành vi.

Các nghiên cứu tại Đại học Oxford ở Anh cũng đi đến kết luận tương tự về mối liên hệ giữa sự quan tâm của người bố với mức độ thành công trong học tập của 17.000 học sinh. Nhà tâm lý học Eirine Flouri, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Một người cha quan tâm sẽ đọc sách cho con nghe, đi chơi với con, quan tâm đến việc giáo dục con, và giữ vai trò ngang với người mẹ trong việc quản lý con mình." Thú vị hơn, kết quả này vẫn đúng cả khi người bố không sống chung nhà với bé - như trong các trường hợp bố mẹ ly hôn. Có vẻ như chính mức độ quan tâm giáo dục con của người bố, chứ không phải việc người bố ấy sống ở đâu, mới là nhân tố quan trọng.

Theo một nghiên cứu khác tại Đại học Illinois, trẻ em có bố chịu dành thời gian hỏi han chuyện học hành trong trường cũng như các hoạt động hàng ngày sẽ học tốt hơn những trẻ không nhận được sự quan tâm đó. Và điều quan trọng cần lưu ý là: hình tượng người cha này không nhất thiết phải là người cha sinh học, đó có thể là bố nuôi, bố dượng, hoặc một người đàn ông trưởng thành trong gia đình.

Ảnh hưởng của bố với con trai
Bên cạnh những lợi ích trên, mối quan hệ tốt đẹp giữa bố và con trai còn có một số tác động tích cực cụ thể. Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford cho biết: các cậu bé được bố quan tâm dạy dỗ ít có nguy cơ gặp rắc rối với cảnh sát hơn khi lớn lên. Không chỉ vậy, một người bố tốt có thể làm gương cho con trai, giúp chúng hình thành đặc trưng giới tính lành mạnh cũng như nhận thức tốt hơn về các cảm xúc của bản thân. Cũng như ở trên, không chỉ bố ruột của bé mới có thể mang đến các ảnh hưởng có lợi. Những mẹ đơn thân có thể tìm hình mẫu thay thế cho con trai bằng cách nhờ ông ngoại, cậu của đứa bé, hay một người bạn thân giúp đỡ.



Ảnh hưởng của bố với con gái
Cả các bé gái cũng nhận được một số lợi ích đặc biệt từ việc gần gũi với bố. Theo nghiên cứu từ Đại học Vanderbilt, các bé gái có mối quan hệ cha–con tích cực, gắn bó trong năm năm đầu đời thường dậy thì muộn hơn các bé có mối quan hệ xa cách với bố. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford cũng ghi nhận rằng: những bé gái được bố quan tâm nhiều hơn sẽ ít gặp nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần sau này. Sự khen ngợi và thương yêu từ người bố cũng có thể giúp con gái lớn lên trở thành một phụ nữ tự tin và độc lập. 
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Những điều cần biết để dạy con gái tự tin hơn?

Mẹ nào cũng mong con gái mạnh mẽ, thông minh và giỏi giang hơn mình. Nhưng trong một thế giới tràn ngập những thông điệp, thông tin nhiễu loạn từ nhà trường, bạn bè, sách báo, các chương trình truyền hình… thì mục tiêu nuôi dạy một cô con gái tự tin, bản lĩnh có thể khiến bạn cảm thấy khó khăn.
Không có gì là bí mật trong chuyện biết rằng đứa trẻ học được nhiều nhất về bản thân từ cách mà bố mẹ giao tiếp với chúng. Theo khảo sát gần đây từ Care.com, khi các bà mẹ được hỏi về tính từ họ thường dùng để gọi con gái của mình, chỉ có 15% trả lời là “thông minh” trong khi đa số (54%) trả lời là “xinh đẹp”, và gần một phần ba (32%) nói rằng con gái thật “đáng yêu”. (Các bà mẹ có thể cảm thấy hơi… áy náy nếu thường bảo con gái mình “xinh đẹp”, nhưng sẽ thuận miệng hơn nhiều và hoàn toàn tự nhiên khi nói bé “đáng yêu”!)
Con sẽ nhận được thông điệp gì nếu vẻ ngoài đẹp đẽ là thứ mà chúng ta đang quá tập trung đến? Dù không có gì hại khi chúng ta khen con rằng bé thật xinh đẹp, nhưng đừng làm cho bé hiểu lầm đó là điểm duy nhất ở bé được đánh giá cao. Vẻ đẹp ngoại hình, nếu chỉ có một mình nó thôi thì có thể trở thành một cái nền rất nguy hiểm để từ đó hình thành nên tính cách và sự tự tin của con. Chúng ta, những người đi trước, đã có được bài học rằng luôn có những người hơn mình, xinh đẹp hơn mình; và rồi chính con gái chúng ta cũng sẽ nhanh chóng nhận ra được một sự thật là đánh giá của người mẹ rất khó có thể mang tính khách quan.
Một trong những cách tốt nhất để nuôi dạy một cô con gái biết yêu quý bản thân và tự tin, mạnh mẽ trong cuộc sống là ghi nhận các điểm mạnh của bé. Thông điệp mà những bậc làm cha mẹ gửi đến con, do vậy, cần mang tính khích lệ, tiếp thêm sức mạnh cho con đồng thời phải trung thực, đừng tô hồng và thổi phồng mọi thứ.
1. Hãy nói với con rằng bé xinh đẹp. Chỉ cần bạn bảo đảm giúp con hiểu được cả về vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp toát ra từ tính cách và hành động. Cách con suy nghĩ và xử sự sẽ có tác động lớn hơn đến cách mà mọi người nhìn nhận bé.
2. Chia sẻ với con niềm đam mê. Bạn có thể có sự kết nối mạnh mẽ hơn với con nếu lưu tâm đến những thói quen, sở thích của bé. Bằng cách này, bạn đang cho thấy sự tôn trọng của mình dành cho con, vì con hiểu rằng bạn quan tâm đến tâm tư, sở thích của bé.
3. Giúp con xác định và làm chủ thế mạnh của mình với niềm tự hào, và hãy nhớ rằng có sự khác biệt rất lớn giữa tự tin và ngạo mạn đấy nhé.
4. Hãy động viên con, lắng nghe nhưng đừng thuyết giáo. Hãy giúp con hiểu được những điều đang xảy ra trong thế giới của bé; chia sẻ với con những câu chuyện về chính bạn khi còn nhỏ để cho thấy có sự đồng cảm và thấu hiểu của bạn đối với hoàn cảnh của bé.
5. Chỉ ra những hình mẫu phụ nữ tích cực khi cùng con đọc hay xem tin, điều này không chỉ cho con gái của bạn thấy rằng điều gì cũng có thể xảy ra, hơn nữa còn khơi gợi những cuộc trò chuyện với con về cách mà những hình mẫu kia đã đi tới thành công. Câu trả lời không phải lúc nào cũng chỉ là “học giỏi”, “chăm chỉ” mà nên tập trung vào những điều cụ thể hơn, chẳng hạn như, “khi bằng tuổi con, cô ấy rất thích đọc sách phiêu lưu, khám phá.”
6. Chia sẻ phương pháp xây dựng sự tự tin cho con gái với những người lớn khác có nhiều ảnh hưởng đến con. Con gái cần được nghe những thông điệp nhất quán từ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều ảnh hưởng đến bé, từ bà nội, cô giáo ở trường hay cô trông trẻ ở nhà – điều này là rất quan trọng.
Cuối cùng, việc khuyến khích niềm tin cho con gái cũng có mối liên hệ với cách mà chúng ta cảm nhận về bản thân, và niềm tự hào mà ta có vào khả năng của mình. Không phải vô cớ mà người ta nói rằng gia đình là tổ ấm, là nền tảng nâng bước, dìu dắt con nên người đâu, đúng không bạn!
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Những điều cần làm khi trẻ cáu kỉnh, mất kiểm soát

Làm cha mẹ là một công việc cao quý, nhưng cũng nhiều lúc cực kỳ khó và khiến bạn bị mất kiểm soát. Con càng lớn, việc chăm con không chỉ quanh quẩn ăn, ngủ, chơi nữa mà còn học hành, phát triển về tâm sinh lý, dạy con kỹ năng sống và hàng ngàn bài học cần thiết khác. Bởi chẳng mấy chốc thời gian sẽ bứt ra khỏi tay bạn đứa trẻ bé bỏng và quẳng nó vào cuộc sống.
Khi con khó chịu, mất kiểm soát và nổi cáu, bố mẹ cần khéo léo để giúp con học được cách tự kiểm soát bản thân của mình. Hãy nhớ đến 9 bí kíp sau:
1. Nắm bắt các dấu hiệu
Bố mẹ hãy để ý đến con và nhận ra những dấu hiệu lúc con sắp mất bình tĩnh, cáu giận và lăn đùng ra khóc lóc. Vì thế, bố mẹ có thể kịp thời giúp con xoa dịu và hạn chế dần dần. Sau đó, bố mẹ hãy dạy cho con nhận biết những dấu hiệu đó của bản thân để có thể kiểm soát những cơn giận dữ bộc phát tốt hơn.

2. Phân tâm
Làm phân tâm sự chú ý của con sang đồ vật hoặc sự việc khác, cơn giận dữ sắp bùng nổ có thể biến mất không dấu. Sự đánh lạc hướng với những món đồ chơi luôn hiệu quả với những đứa trẻ ở độ tuổi lên 3.
3. Nghỉ ngơi
Cho con tạm dừng việc đang làm, tách con ra khỏi hiện trường. Bố mẹ sẽ cho con một cơ hội để bình tĩnh lại và làm dịu chính mình - đó là một kỹ năng quan trọng cần học được từ bé.
Có trẻ bình tĩnh lại khi được ngồi hoặc nằm chơi với món đồ chơi yêu thích. Khi lớn hơn, bố mẹ có thể dạy con hít thở thật sâu, đếm từ 1 đến 7 hoặc 10 trước khi tiếp tục nói chuyện tiếp.
4. Tự kiểm soát bản thân
Đây là một cách làm gương điển hình và cực kỳ hiệu quả. Nhìn vào cách xử lý tình huống, bình tĩnh và tự kiểm soát của bố mẹ, trẻ sẽ bắt chước và làm theo như thế.
Chính vì thế, trước khi phát cáu, hãy lùi lại một bước, hít thở thật sâu và cho mình thời gian để tập trung trở lại.

5. Bình tĩnh nói chuyện
Giải thích cho con hiểu, với giọng nói rõ ràng và bình tĩnh chứ không bực bội hay la lên. Nhắc cho con biết đó là quy luật và không thể hiện quá nhiều cảm xúc khi nói.
Nếu con phạm lỗi mà bố mẹ vẫn ôm hay dỗ dành để làm cho con bình tĩnh lại thì con sẽ tiếp tục sự cáu kỉnh của mình.
6. Hài hước một chút
Có một điều khá hay ho là các ông bố thường rất biết cách làm cho con của mình cười. Chọc ghẹo con một chút lúc đó có thể làm thay đổi tình huống, giúp con vui vẻ trở lại. Có thể trong tương lai con cũng sẽ trở thành một người hài hước giống bố.
7. Bày tỏ cảm xúc
Đôi lúc con cảm thấy khó chịu bực bội vì không thể nói được cảm xúc của mình lúc đó là như thế nào, đôi lúc cáu kỉnh một phần là do thất vọng.
Giúp con hiểu và nói về cảm xúc của mình. Dạy con rằng mọi người đều sẽ có lúc cảm thấy buồn và rất bình thường và tự nhiên nếu thể hiện điều đó.
Hỏi những câu như là "Đã xảy ra chuyện gì?", "Con cảm thấy thế nào?" để khơi gợi con bày tỏ ý kiến của mình và bình tĩnh trở lại.

8. Xác định nguyên nhân
Đôi lúc con khó chịu vì những thay đổi bên ngoài hoặc chịu tác động của môi trường sống. Hãy chơi trò chơi cùng con, nói chuyện với con để tìm hiểu suy nghĩ. Xác định nguyên nhân chính xác là cách tốt nhất để nghĩ ra biện pháp khắc phục phù hợp nhất.
9. Nhận trợ giúp
Nếu con thường xuyên cáu kỉnh khó chịu, phát triển thụt lùi vài kỹ năng đang được học, không thích đến nhà trẻ, không còn hứng thú với những hoạt động và trò chơi mà trước đây con rất thích... rất có thể con gặp một chút vấn đề về tâm lý. Tư vấn ý kiến chuyên gia lúc này sẽ giúp đỡ bố mẹ và con vượt qua giai đoạn này.
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com