Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Tại sao con cần có bố ở bên?

"Bố lo kiếm tiền còn mẹ quán xuyến việc nhà và nuôi dạy các con," quan điểm này dẫn đến việc ở nhiều gia đình, thời gian bố con gặp mặt trò chuyện với nhau ngày càng bị rút ngắn, ảnh hưởng đến trí tuệ, sự phát triển và khả năng hoà nhập xã hội của trẻ nhỏ. Hãy chấn chỉnh lại suy nghĩ và giúp chồng bạn hiểu được "giá trị thực" của mình để có tác động tích cực hơn lên con cái nhé.


Tầm quan trọng của bố
Các ông bố đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển của trẻ từ sơ sinh đến tuổi trưởng thành. Trong thực tế, nhiều nghiên cứu đã đưa ra cùng một kết luận: trẻ em được bố quan tâm có nhiều lợi thế về mặt quan hệ xã hội và học hành hơn so với các trẻ xa lánh hoặc không có quan hệ gì với bố. Tiến sĩ Maureen Black, nhà nghiên cứu và giáo sư nhi khoa Trường Y Đại học Maryland cho biết, "Mối quan hệ với người cha sẽ giúp ích cho trẻ em rất nhiều." Cụ thể, nghiên cứu của bà cho thấy bố tích cực tham gia vào việc nuôi dạy thì con sẽ có kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn và ít gặp các vấn đề hành vi.

Các nghiên cứu tại Đại học Oxford ở Anh cũng đi đến kết luận tương tự về mối liên hệ giữa sự quan tâm của người bố với mức độ thành công trong học tập của 17.000 học sinh. Nhà tâm lý học Eirine Flouri, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Một người cha quan tâm sẽ đọc sách cho con nghe, đi chơi với con, quan tâm đến việc giáo dục con, và giữ vai trò ngang với người mẹ trong việc quản lý con mình." Thú vị hơn, kết quả này vẫn đúng cả khi người bố không sống chung nhà với bé - như trong các trường hợp bố mẹ ly hôn. Có vẻ như chính mức độ quan tâm giáo dục con của người bố, chứ không phải việc người bố ấy sống ở đâu, mới là nhân tố quan trọng.

Theo một nghiên cứu khác tại Đại học Illinois, trẻ em có bố chịu dành thời gian hỏi han chuyện học hành trong trường cũng như các hoạt động hàng ngày sẽ học tốt hơn những trẻ không nhận được sự quan tâm đó. Và điều quan trọng cần lưu ý là: hình tượng người cha này không nhất thiết phải là người cha sinh học, đó có thể là bố nuôi, bố dượng, hoặc một người đàn ông trưởng thành trong gia đình.

Ảnh hưởng của bố với con trai
Bên cạnh những lợi ích trên, mối quan hệ tốt đẹp giữa bố và con trai còn có một số tác động tích cực cụ thể. Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford cho biết: các cậu bé được bố quan tâm dạy dỗ ít có nguy cơ gặp rắc rối với cảnh sát hơn khi lớn lên. Không chỉ vậy, một người bố tốt có thể làm gương cho con trai, giúp chúng hình thành đặc trưng giới tính lành mạnh cũng như nhận thức tốt hơn về các cảm xúc của bản thân. Cũng như ở trên, không chỉ bố ruột của bé mới có thể mang đến các ảnh hưởng có lợi. Những mẹ đơn thân có thể tìm hình mẫu thay thế cho con trai bằng cách nhờ ông ngoại, cậu của đứa bé, hay một người bạn thân giúp đỡ.



Ảnh hưởng của bố với con gái
Cả các bé gái cũng nhận được một số lợi ích đặc biệt từ việc gần gũi với bố. Theo nghiên cứu từ Đại học Vanderbilt, các bé gái có mối quan hệ cha–con tích cực, gắn bó trong năm năm đầu đời thường dậy thì muộn hơn các bé có mối quan hệ xa cách với bố. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford cũng ghi nhận rằng: những bé gái được bố quan tâm nhiều hơn sẽ ít gặp nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần sau này. Sự khen ngợi và thương yêu từ người bố cũng có thể giúp con gái lớn lên trở thành một phụ nữ tự tin và độc lập. 
Nguồn tin: shopdochoicuabe.blogspot.com

3 nhận xét: