Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Sử dụng nhiều CNTT làm cho trẻ em dễ bị bắt nạt trên mạng

Trong khi nguy cơ bắt nạt trên mạng đối với học sinh đang gia tăng thì chương trình tin học nhà trường chỉ chú trọng dạy Word, PowerPoint…, không trang bị kiến thức cơ bản như kỹ năng khi tiếp xúc với người lạ trên mạng xã hội, giới hạn chia sẻ thông tin cá nhân để không bị quấy rối.
Ảnh minh họa: Internet
Nguy cơ tự tử do bị bắt nạt trên mạng
Theo các chuyên gia về giáo dục và an ninh thông tin, “bắt nạt trên mạng” được hiểu là hành động có chủ ý sử dụng CNTT làm tổn hại, quấy rối người khác.
Đó có thể là hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng về một cá nhân khiến người khác căm ghét nạn nhân, tung hình ảnh, video gây tổn hại đến uy tín, danh dự của nạn nhân…
Những hành vi bắt nạt trên mạng gây ra tổn hại ở nhiều mức độ khác nhau, có thể khiến nạn nhân thường xuyên lo sợ, trầm cảm, thậm chí đã có trường hợp tự tử, tìm đến cái chết.
Dẫn một khảo sát được trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) thực hiện trực tuyến với 10 trường học tại các nước Mỹ, Philippine, Malaysia, Việt Nam…, ông Nguyễn Đức Toàn, giáo viên trường Thực nghiệm cho hay có tới 59% số lượng học sinh nam cho biết đã từng bị bắt nạt qua mạng, còn đối với học sinh nữ là 64%.
Đáng lo ngại, nhiều học sinh không lường trước được các hậu quả, tác hại của bắt nạt qua mạng. Có 25% cho rằng do việc thực hiện bắt nạt, chửi bới được thực hiện qua mạng nên sẽ… không bị phát hiện hay bắt quả tang.
Theo bà Maria Melizza Tan, Chuyên gia chương trình ICT, UNESCO Bangkok, trên thế giới hiện có 7,6 tỷ thuê bao điện thoại, 5 tỷ người sử dụng Internet. Độ tuổi sử dụng thiết bị kỹ thuật số chiếm phần nhiều là từ 15 - 24 tuổi, tuy nhiên hiện nay trẻ em tiếp xúc, sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin, thể hiện mình ngày càng sớm.
Thông qua khảo sát tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia…, đại diện UNESCO cho hay sự phát triển đó cũng đang kéo theo hàng loạt vấn đề như nghiện game online, tình dục trên mạng và đặc biệt là bạo lực, bắt nạt qua mạng cũng trở nên phổ biến.
Tại Việt Nam, một số nghiên cứu của UNICEF và các tổ chức khác về vấn đề bạo lực trên mạng cho thấy trẻ em gái bị bạo lực học đường, bắt nạt qua mạng nhiều hơn nam, qua các kênh online, offline và tin nhắn SMS.
Việc "thả cửa" cho con cái dùng smartphone, máy tính sẽ khiến trẻ dễ bị bắt nạt trên mạng.
Cần trang bị kỹ năng từ cấp tiểu học
Tuy nhiên, dù tỷ lệ trẻ bị bắt nạt qua mạng có nguy cơ gia tăng nhưng đến nay, vấn đề giảng dạy, đào tạo cho trẻ kiến thức tự bảo vệ mình, đối phó với các nguy cơ chưa được các nhà trường chú trọng.
Ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia an toàn thông tin nhận định hiện nay trong môi trường giáo dục, các tài liệu dạy về tin học mới chỉ giúp học sinh tìm hiểu Excel, Office, Word, PowerPoint… chứ không dạy kiến thức cơ bản như khi lên mạng xã hội đâu là giới hạn chia sẻ thông tin cá nhân để không bị quấy rối, không bị những đối tượng săn lùng thông tin lợi dụng. Hoặc phân biệt một trang web phishing (lừa đảo đánh cắp thông tin nhạy cảm) như thế nào, đặt mật khẩu ra sao để đảm bảo an toàn.
“Tất cả những vấn đề trên phần lớn các nhà trường không dạy học sinh. Đã đến lúc vấn đề đào tạo cho thế hệ trẻ có nhận thức tốt hơn về an toàn thông tin cần được đặt ra. Ví dụ với cấp tiểu học, có thể bắt đầu từ hình thức như trò chơi cũng rất phù hợp”, ông Ngô Việt Khôi bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông David Vu, Giám đốc sáng tạo, Học viện DQ World (Singapore) cho rằng, vấn đề cần thiết là phải dạy cho trẻ các kỹ năng khi tiếp xúc với người lạ trên mạng, có thể tin người lạ trên mạng hay không, tiếp cận với những thông tin như thế nào có thể bị lôi kéo vào hoạt động không tốt…
Theo các chuyên gia, hiện nay không ít phụ huynh vẫn còn loay hoay trong việc kiểm soát con online, để smartphone, tablet, máy tính hay Smart TV kết nối Internet trong phòng riêng để cho con tự truy cập, không biết con cái xem lúc nào, xem nội dung gì, có bị bắt nạt trên mạng hay không.
“Bậc phụ huynh cần biết trẻ muốn gì, quan tâm đến gì, phải lấp đầy khoảng cách về công nghệ giữa cha mẹ và con cái. Cần nói chuyện với con về chuyện gì đang diễn ra, để chia sẻ và tìm hướng giải quyết, không thể để con cô độc bị bắt nạt trên mạng nhưng không biết bảo vệ thế nào”, ông David Vu nhấn mạnh, đồng thời cho rằng phải đưa các kỹ năng CNTT – TT vào chương trình giáo dục toàn cầu, phù hợp với đặc thù của từng quốc gia để đối tượng giáo viên sẽ là người tư vấn trực tiếp cho học sinh.
Để làm được điều này, cần có sự tham gia quyết liệt của các bên liên quan như tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế… Khi được trang bị đầy đủ các kỹ năng, trẻ sẽ tiếp nhận, sử dụng CNTT an toàn và có trách nhiệm hơn.
Chung quan điểm, bà Maria Melizza Tan cho rằng, tại hầu hết các trường học, giáo viên chỉ được đào tạo cơ bản về sử dụng CNTT, chứ không được đào tạo giúp trẻ an toàn khi lướt web, bảo vệ mật khẩu…
Ngoài ra còn trang bị kiến thức cho cha mẹ, giáo viên, chuyên gia tư vấn. Cần bắt đầu từ lứa tuổi cấp tiểu học, người lớn cần coi trọng ý kiến của trẻ em trong các cuộc đối thoại để phát hiện sớm các nguy cơ bị bắt nạt.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho rằng tại Việt Nam cần phải có tiếng nói tác động đến cơ quan quản lý để xây dựng được chương trình dài hơi tầm quốc gia để bảo vệ trẻ em trước các mặt tiêu cực của Internet, đưa ra các hình thức giáo dục trong nhà trường ngay từ khi học sinh bắt đầu đi học để trẻ biết tự bảo vệ mình trên môi trường Internet.

Nguồn tin từ:chonsodepvina.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét