Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Cách phòng tránh và xử lý bọ xít hút máu người đốt bé

Thời gian gần đây, bọ xít hút máu người xuất hiện ở nhiều tỉnh thành và gây nguy hiểm cho sức khỏe của nhiều người. Những người bị loại côn trùng này cắn có thể bị sưng, ngứa tại chỗ đốt; một số trường hợp có thể bị bội nhiễm gây viêm da, thậm chí có trường hợp phải đưa đi cấp cứu.
1. Bọ xít hút máu người thường xuất hiện ở đâu?

Loài bọ xít này hút máu động vật để sống, khi đói, chúng có thể tấn công người để hút máu. Chúng không chỉ có ở những nơi ẩm thấp, tối tăm mà còn xuất hiện ở cả những tòa nhà cao tầng tiện nghi, hiện đại. Ban ngày chúng trốn vào các khe cửa, gầm giường, dưới các loại nệm, các hốc trong nhà và đến ban đêm sẽ chạy ra để cắn người.

Khe giường, khe tủ là những nơi lý tưởng để bọ xít hút máu người làm ổ, do nằm ở vị trí khuất nên rất khó phát hiện ra.

2. Làm gì khi bị bọ xít hút máu người đốt?

Bọ xít thường cắn người ở sau gáy, cổ, vai, tay và chân. Tùy cơ địa của mỗi người mà phản ứng của cơ thể sẽ khác nhau khi bị bọ xít đốt và hút máu. Biểu hiện chung là đau, rát, sưng nhỏ hoặc sưng tấy và lan rộng ra xung quanh. Có người chỉ vài ngày đã khỏi nhưng có người bị vết đốt sưng to, phù nề trên diện rộng, mưng mủ hoặc sốt. Đặc biệt là trẻ em, sức đề kháng yếu và mẫn cảm với nọc độc của côn trùng có thể bị dị ứng, sốc phản vệ… Nếu không được xử lý kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.





GS.TSKH Vũ Quang Côn – Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam đưa ra một số lưu ý khi bị côn trùng đốt:

- Rửa kỹ vết đốt hay vùng da tiếp xúc với côn trùng ngay bằng xà phòng, chườm đá lạnh 5 phút, rồi rửa kỹ lại bằng nước muối ngày 3 – 4 lần.

- Dùng nước muối loãng 9% chấm ngày 3 – 4 lần nếu là vết hồng ban hoặc dán miếng dán có nitroglycerin lên vết đốt hạn chế co mạch, tránh loét.

- Khi bị bọ xít hút máu đốt không nên gãi nhiều có thể gây nên vết thương hở da, bội nhiễm. Khi cơ thể có các phản ứng lạ như nổi mẩn toàn thân, khó thở, mệt, vết thương bị phù nề… cần đến ngay cơ sở y tế để khám.
Tuỳ mức độ tổn thương sẽ chữa trị khác nhau nhằm hạn chế biến chứng xấu do nọc độc côn trùng gây ra. (Theo Vietnamplus)

Không nên để quá 6 giờ đồng hồ mà không xử lý vì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ rất cao.

3. Phòng chống bọ xít hút máu người như thế nào?

Bộ Y tế khuyến cáo người dân 5 điều sau để phòng chống bọ xít hút máu người:

- Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, đặc biệt là những nơi ẩm thấp.
- Loại bỏ những vật dụng mủn, mục (củi mục, vải mục, rác thải) không sử dụng.
- Thường xuyên nằm ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không chui vào.
- Khi bị bọ xít đốt nên rửa ngay bằng xà phòng, không gãi tại vết đốt.
- Nếu vết đốt sưng, phù nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. (Theo Tuổi Trẻ)

Khi phát hiện bọ xít, tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho chúng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Ngoài phương pháp thủ công này, mọi người có thể sử dụng các hóa chất dùng trong y tế như: Permethrin 50EC, Fendona 10SC, Icon 10 WP (có nguồn gốc từ thực vật – pyrethroid) phun trong nhà và xung quanh nhà giống như phun diệt muỗi. Tuy nhiên, không nên phun nếu không phát hiện ổ bọ vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nguồn tin: Shopdochoicuabe.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét