Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Các nguy cơ bé chậm biết nói

Trong khi hầu như mọi đứa trẻ đều phát triển theo đúng tuổi, việc chậm trễ hay gián đoạn một kỹ năng nào đó như nói chẳng hạn có thể khiến phụ huynh lo lắng tự hỏi mình: “Liệu con tôi có phát triển đúng chuẩn không?”. Có những mốc phát triển ngôn ngữ mà bạn có thể dựa vào đó để đánh giá xem con mình đang ở mức độ nào.
Chú ý đến người khác
Sự tương tác xã hội là nền tảng của sự phát triển ngôn ngữ. Nếu con bạn không chú ý đến người khác, không đáp lại các âm thanh, tiếng nhạc, các trò chơi và đồ chơi chuyển động, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ và kỹ năng nói ở trẻ.
Bập bẹ phát âm



Từ 4 tháng tuổi, bé đã biết ê a những tiếng đầu đời. Ảnh: Inmagine.
 Từ 4-6 tháng tuổi, con bạn sẽ bập bẹ phát âm, bắt dầu bằng các nguyên âm khi bé bắt đầu lên tiếng bằng cách ê a. Sang tháng thứ 6, bé bắt đầu ghép các nguyên âm với phụ âm thành những tiếng.
Nhận ra tên mình
Từ 6-9 tháng tuổi, em bé đã có thể ngừng chơi và quay về phía bạn khi bạn gọi tên bé. Con bạn cũng có thể đáp lại các tiếng động khác nhau mà bạn tạo ra, và có thể bắt chước những tiếng động đó. Đó là lý do vì sao việc phụ huynh chăm trò chuyện với con là rất quan trọng. Các nghiên cứu đều cho thấy trẻ có phụ huynh hay nói phát triển ngôn ngữ tốt hơn.
Những từ đầu tiên
Khoảng 12 tháng tuổi, bé đã có thể biết nói những từ đầu tiên, như “mama”, và “baba.” Bạn có thể giúp bé tăng vốn từ vựng của mình bằng cách đọc sách hay đơn giản là chỉ cần nói với bé về những gì bạn làm mỗi ngày. Bạn không cần nói chuyện quá đơn giản hay phức tạp với bé; chẳng hạn, khi ra ngoài chơi, hãy chỉ và nói cho bé những bông hoa hay con vật mẹ con bạn thấy trên đường đi.



Tròn 1 tuổi, con đã có thể làm theo những yêu cầu đơn giản. Ảnh: Inmagine
Thể hiện qua những hành động 
Cũng ở tháng thứ 12, bé cưng của bạn đã bắt đầu biết vẫy tay chào và tạm biệt cũng như lắc đầu từ chối. Những trò chơi tương tác qua lại rất tốt cho các bé ở giai đoạn này để phát triển kỹ năng truyền đạt thông tin. Bạn hãy chơi đẩy bóng qua lại, chia thức ăn hoặc giở các trang sách cùng bé.
Làm theo những yêu cầu đơn giản
Từ tháng 12-18, bé có thể đáp lại với tên của mình, hiểu nghĩa “không”, chào” và thực hiện những yêu cầu đơn giản (ví dụ: “Con cầm đồ chơi lên đi!” Ở độ tuổi này, bé cũng bắt đầu chỉ ra được các bộ phận khác nhau trên cơ thể khi bạn hỏi bé (ví dụ: “Bụng con đâu?”). Trò chơi ú òa có thể giúp bé phát triển các kỹ năng này.
Ghép từ
Khi bé được 18 tháng tuổi, bé đạt được sự nhảy vọt về ngôn ngữ trong vài tháng tới. Một đứa trẻ 2 tuổi có thể nói được khoảng 50 từ. Trong suốt thời kỳ này, bé sẽ bắt đầu biết cách ghép từ với nhau, chẳng hạn như: “Bố bế”. Bạn có thể giúp bé phát triển kỹ năng này thông qua trò chuyện. Thay vì hỏi “Trái banh của con đâu?”, bạn có thể nói phức tạp hơn “Trái banh lớn màu đỏ của con đâu?”.
Biểu lộ cảm xúc
Được 24 tháng tuổi, bé có thể diễn tả nhu cầu tức thời của mình với bạn bằng cách sử dụng từ ngữ và bắt đầu kết hợp từ ngữ, mặc dù không phải sự kết hợp nào của bé nghe cũng có ý nghĩa. Bạn có thể hiểu được khoảng 50% ngôn ngữ cũng như cảm xúc của bé. Nhưng cách nói chuyện của bé ở lứa tuổi này rất ngộ nghĩnh và đáng yêu.
Nguồn tin : dochoiembe.com.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét